Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%-20%.
* Một trong những ngành tiềm năng nhất của nền kinh tế
Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Được phát triển từ những năm 1990, chỉ trong một thời gian ngắn, dịch vụ logistics của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.
Hiện nay, thị trường logistics Việt Nam có sự tham gia của khoảng 3.000 doanh nghiệp trong nước và khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với các tên tuổi lớn, như: DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ logistics, KMTC Logistics…
Các doanh nghiệp logistics có quy mô vừa và nhỏ, trong đó 89% là doanh nghiệp Việt Nam, 10% doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Hiện, các doanh nghiệp logistics Việt Nam đang cung cấp từ 2 đến 17 dịch vụ logisitics khác nhau, tập trung vào: giao nhận, vận tải nội địa, khai thác cảng biển và cảng hàng không, kho bãi, quản lý hàng và vận tải quốc tế... Trong đó, vận tải là lĩnh vực dịch vụ quan trọng nhất trong hệ thống logistics của Việt Nam.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây tương đối cao, đạt khoảng 14%-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm; tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018 cho thấy, chỉ số năng lực hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam xếp hạng 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Logistics được ghi nhận là một trong những ngành có tiềm năng lớn nhất đối với nền kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành logistics Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được tập trung khắc phục. Hạn chế lớn nhất, theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, là chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn khá cao so với các quốc gia, như: Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và khối EU.
Nguyên nhân là do hạn chế về kết cấu hạ tầng cảng biển gắn liền với dịch vụ sau cảng; công tác quy hoạch hạ tầng logistics, gồm cảng biển, cảng cạn, trung tâm logistics, depot, bãi đậu xe tải, xe container… chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, tỷ lệ chi phí logistics so với GDP quốc gia của Việt Nam cũng ở mức cao, chiếm 18% GDP, trong khi con số này ở các nước phát triển chỉ 9-14%.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Theo đó, sửa đổi mục tiêu đề ra cho năm 2025 như sau: Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt 50 trở lên.
Quyết định mới cũng bổ sung lộ trình trình thực hiện Kế hoạch. Cụ thể, năm 2020-2021, rà soát tình hình thực hiện và tiếp tục triển khai các nhiệm vụ năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Năm 2022, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.
Năm 2023, sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hành động, chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn để nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn đến 2045. Năm 2024, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.
Tổ chức xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn đến 2045. Năm 2025, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hành động. Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn đến 2045.
Theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017, Chính phủ chủ trương phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị giá tăng cao... Phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực.
Để cắt giảm chi phí logistics và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam, tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020 (tháng 11/2020), Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã đề xuất một số nhóm giải pháp, như: đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục thương mại xuyên biên giới; tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại giúp tiết kiệm tối đa thời gian chi phí, đáp ứng nhu cầu vận chuyển và lưu thông hàng hóa; tăng cường ứng dụng công nghệ mới, hiệu quả hơn vào hoạt động logistics.
Có các chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể để đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp logistics…; xây dựng mạng lưới liên kết các doanh nghiệp logistics, trong đó tập trung phát triển hệ thống logistics gắn với thương mại điện tử; phát triển các giải pháp mới nhằm tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, sử dụng tối đa nguồn nhiên liệu tái tạo tại các cảng, kho bãi, tăng cường các phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường…
Liên quan đến thực trạng chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn cao, theo ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu chính Viettel, để giảm chi phí này cần 3 yếu tố.
Trước hết về quy hoạch và hỗ trợ từ phía Chính phủ, cần xây dựng các trung tâm logistics lớn của quốc gia, trong đó chi phí thuế, đất đai, cầu cảng phải được ưu đãi. Cùng với đó, cần tối ưu vận tải của doanh nghiệp, hiện tại đến 70% xe vận tải rỗng chiều về.
Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư áp dụng công nghệ để quản trị tối ưu hơn và giảm chi phí. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần liên kết với nhau, Chính phủ cũng cần đứng ra liên kết các doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp có nền tảng lớn và là trung tâm liên kết cùng các doanh nghiệp nhỏ để tận dụng được nguồn tài nguyên của từng doanh nghiệp.
Để khắc phục thói quen "ngại thay đổi" của doanh nghiệp” các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, ngoài quyết tâm và tập trung nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp, cần có sự hợp tác giữa doanh nghiệp chủ hàng và các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics; đồng thời, cần có sự hỗ trợ của nhà nước trong việc cải cách thủ tục hành chính liên quan, hỗ trợ nguồn vốn trong điều kiện có thể, nhất là với các doanh nghiệp đi đầu về chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics.
Ngoài ra, việc Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng tạo ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài cùng công nghệ hiện đại và gia tăng phương pháp quản trị tiên tiến trong lĩnh vực logistics. Để tận dụng các cơ hội kinh doanh đến từ chính các cam kết trong các FTA, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp logistics cần nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tìm các kênh thích hợp để tăng liên kết với các doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ logistics khác nhau như: hãng tàu, đại lý thương mại, bảo hiểm…
Nếu chúng ta có thể khắc phục được những hạn chế trên, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ và tăng tính kết nối của phương tiện thì sẽ giảm chi phí vận tải, nâng cao được chất lượng dịch vụ logistics.